Mặc dù chỉ dừng lại ở giải khuyến khích trong cuộc thi “Hành trình sinh viên nghiên cứu khoa học đến đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp năm 2021”, nhưng đề tài nghiên cứu “Sa bàn đến trường dành cho Mái ấm Huynh Đệ Như Nghĩa” do 2 bạn sinh viên Đàm Minh Quang lớp 20BAEV01 và Trần Trung Tín lớp 18BBLV01 thực hiện đã để lại ấn tượng tốt, nhận về rất nhiều lời khen từ Ban giám khảo cũng như các thầy trong hội đồng Viện Đào tạo Quốc tế NTT (NIIE) về ý tưởng sáng tạo cùng khả năng ứng dụng cộng đồng cao.

Ít ai biết rằng, Đàm Minh Quang và Trần Trung Tín là 2 bạn sinh viên rất tích cực tham gia các hoạt động xã hội. Trong một lần tình cờ làm thiện nguyện tại cơ sở khiếm thị Huynh Đệ Như Nghĩa, 2 bạn đã vô tình được biết rất nhiều về sự khó khăn trong việc đi lại của các em học sinh và Sơ khiếm thị như: Phải lệ thuộc vào người dẫn dắt; thường xuyên bị mất phương hướng, lạc đường; hầu hết mọi thành viên ở đây đều có những vết sẹo, vết thương do bị tai nạn giao thông. Thậm chí, có những em nhỏ từng suýt bị dụ dỗ, bắt cóc dẫn đến tâm lý sợ hãi, không dám ra đường. Chứng kiến sự thật đau lòng này, 2 bạn Minh Quang và Trung Tín đã ấp ủ dự định cần làm một điều gì đó để giúp những người không may mắn bị mất thị giác tại mái ấm Như Nghĩa nói riêng, và toàn xã hội nói chung. Với sự hỗ trợ của TS. Nguyễn Xuân Nhĩ, đề tài nghiên cứu ứng dụng “Sa bàn đến trường dành cho Mái ấm Huynh Đệ Như Nghĩa” được ra đời như một giải pháp hữu ích, giúp học sinh khiếm thị có thể học được cách di chuyển tới trường, phụ giúp các Sơ trong việc chủ động định hướng di chuyển, không cần người dắt. Đồng thời giúp các em nhỏ khiếm thị từ mầm non có thể mở rộng được tầm nhìn, tự vẽ được bản đồ trong não và phát triển trí tưởng tượng.

Hình ảnh cơ sở khiếm thị Huynh Đệ Như Nghĩa

Hình ảnh cơ sở khiếm thị Huynh Đệ Như Nghĩa

Để thực hiện được ý tưởng này,  2 bạn Quang và Tín đã phải dành rất nhiều thời gian để quan sát, trò chuyện cùng các bạn học sinh, các Sơ dung, Sơ chăm sóc trẻ em khiếm thị để lắng nghe những khó khăn trong việc di chuyển khi bị hạn chế tầm nhìn. Tiếp đó, Quang và Tín đã tham gia vào các lớp dạy di chuyển của người khiếm thị bằng cách dò, gõ gậy vào vật thể thường thấy trên đường như trụ điện, cột đèn và sử dụng thính giác để phán đoán. Bên cạnh đó, chủ nhiệm đề tài cũng phải tìm hiểu thêm về cách sử dụng chữ nổi Braille tiếng Việt. Sau khi có được những hiểu biết cần thiết, 2 bạn sinh viên NIIE đã tiến hành đo đạc, khảo sát đường đi từ mái ấm Huynh Đệ Như Nghĩa đến trường Tiểu học Bình Hưng Hòa, THCS Huỳnh Văn Nghệ, kết hợp với Google Map để phác thảo lại những con đường cần thiết, những địa điểm quan trọng cần được thể hiện trên sa bàn. Để người khiếm thị có thể sử dụng dễ dàng, nhóm đã lựa chọn các vật dụng cần thiết như các hình dạng hình học (tròn, vuông, tam giác..) cùng các chất liệu bề mặt khác nhau để phân biệt.

Khoảng cách giữa các địa điểm trên sa bàn được đo đạc, tính toán tỷ lệ dựa vào khảo sát thực tế và Google Map.

Khoảng cách giữa các địa điểm trên sa bàn được đo đạc, tính toán tỷ lệ dựa vào khảo sát thực tế và Google Map.

Cuối cùng là bước tiến hành xây dựng mô hình, những địa điểm quan trọng như mái ấm, trường học được thực hiện với diện tích lớn. Các địa điểm trên đường đi cần lưu ý như: Ủy ban nhân dân, Trung tâm thanh thiếu niên, Nhà sách Bình Tân, Nhà thờ Gò Mây được xây dựng với diên tích nhỏ hơn. Một trong những điểm đặc biệt của mô hình này là tất cả các địa điểm đều có chữ nổi kèm một bản chú thích tương ứng. Để nếu có đi lạc, các bạn học sinh cũng có thể nhận được sự giúp đỡ của người đi đường thông qua sa bàn.

Hình ảnh thử nghiệm của “Sa bàn đến trường dành cho mái ấm Huynh Đệ Như Nghĩa”

Hình ảnh thử nghiệm của “Sa bàn đến trường dành cho mái ấm Huynh Đệ Như Nghĩa”

Chia sẻ về những khó khăn trong quá trình thực hiện đề tài nghiên cứu, bạn Trần Trung Tín cho biết “Khó khăn lớn nhất mà tụi em gặp phải là tìm kiếm tài liệu tham khảo, em đã thử rất nhiều bằng cả tiếng Anh và tiếng Việt nhưng gần như không có tài liệu nào hoàn chỉnh. Vì thế nên nhóm đã phải đọc, gom nhặt từng mảnh kiến thức nhỏ, lẻ qua từng báo cáo rồi thử nghiệm và thất bại nhiều lần. Nhân đây, em cũng xin gửi lời cảm ơn đến TS. Nguyễn Xuân Nhĩ. Không chỉ là người bạn đồng hành đáng tin cậy, thầy còn là nơi để chúng em tìm kiếm nguồn cảm hứng và động lực. Mỗi khi nhóm “ngã”, thầy đều cố gắng “đỡ dậy” bằng những lời động viên, khích lệ để chúng em có thể lấy lại được tinh thần và tiếp tục nghiên cứu.”

Mặc dù còn nhiều thiếu sót về mặt nội dung cũng như trình bày ý tưởng nhưng đề tài nghiên cứu ứng dụng “Sa bàn đến trường dành cho mái ấm Huynh Đệ Như Nghĩa” đã nhận về rất nhiều lời khen về ý tưởng nhân văn cùng khả năng ứng dụng xã hội cao. Đây có thể là một giải phát vô cùng hữu ích giúp cho những người khiếm thị có thể di chuyển dễ dàng hơn và hòa nhập với cộng đồng. Ngoài ra, sự tận tình và tâm huyết của 2 bạn sinh viên Minh Quang và Trung Tín dành cho đề tài này cũng rất đáng khen khi dành ra không ít thời gian, công sức để khảo sát, học hỏi, tìm tòi, thử nghiệm, sửa đổi và cải tiến để hoàn thành ý tưởng.

———————————————

VIỆN ĐÀO TẠO QUỐC TẾ – ĐẠI HỌC NGUYỄN TẤT THÀNH (NIIE)

EMBRACING THE WORLD FROM HERE

Địa chỉ: 458/3F Nguyễn Hữu Thọ, P. Tân Hưng, Q.7, TP. Hồ Chí Minh

Hotline: 0934 116 244 / 0938 116 244

Email: niie@ntt.edu.vn